Đổi thay từ bàn tay phụ nữ
Nằm yên bình dưới tán điều, bộ mặt Thôn 3 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) ngày càng sạch đẹp, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. Đằng sau những sự thay đổi đó, chính là công sức kiên trì tuyên truyền, vận động của người phụ nữ S’Tiêng mang tên Điểu Thị Mơn ở nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên này.
Bà Thạch Thị Xanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Cát 2 khẳng định: Càng ở những thôn vùng sâu, vai trò của cán bộ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở lại càng được phát huy trong tuyên truyền, vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ.
Căn nhà nhỏ của chị Điểu Thị Mơn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 3, xã Phước Cát 2 được xây dựng khang trang từ năm 2006. Từ ngõ tới bếp, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Nụ cười như bừng sáng cả buôn thôn, chị Mơn bảo, mình phải làm gương từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, như vậy mới tuyên truyền được cho chị em trong thôn, trong xóm.
Chị Mơn năm nay 34 tuổi, có thâm niên 5 năm làm Chi hội trưởng. Trong 5 năm đó, chị luôn là người có mặt sớm nhất, cố gắng làm tốt nhất, vận động người thân trong gia đình, dòng họ gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Chị tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong chi hội thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi nội dung, chị Mơn đi đầu làm trước, để bà con được thấy, tin và làm theo.
Ở thời điểm tại địa phương nhà nào cũng sinh nhiều con, vợ chồng chị Mơn chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt. Để rồi từ đó, cùng với việc phối hợp cộng tác viên dân số vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình,... chị Mơn lấy bản thân gia đình mình ra làm dẫn chứng để tăng tính thuyết phục. Chị bảo: “Bây giờ đẻ nhiều thì khổ nhiều, đất đai thì ngày càng thiếu thốn”. Thế rồi, từ 4 năm nay, Thôn 3 không còn trường hợp sinh con thứ 3 hay hôn nhân cận huyết thống. Các mẹ biết chăm sóc, nuôi dạy con theo khoa học, phòng chống suy dinh dưỡng. Toàn thôn cũng không còn học sinh tiểu học bỏ học giữa chừng.
Để hội viên phụ nữ Thôn 3 mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, phát triển kinh tế, chị Mơn lại đi đầu trong việc chặt bỏ cà phê, cây điều cho năng suất thấp để trồng sầu riêng thay thế. Chị chia sẻ, trước khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, chị đều đi quanh xã học hỏi cặn kẽ kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, 1 ha sầu riêng được trồng từ năm 2018 của gia đình chị đã bắt đầu cho trái bói. Nhờ đó, chị trang bị thêm máy phát điện để tưới tự động cho vườn. Chị em trong Thôn 3 thấy vậy, đã bắt đầu chuyển đổi vườn điều sang ca cao, trồng bưởi,... hứa hẹn những mùa không còn bấp bênh vì phụ thuộc vào cây điều.
Thực hiện công tác giảm nghèo, ngoài tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chị Điểu Thị Mơn vận động chị em hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động cụ thể, thiết thực, như đổi công giúp nhau, trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, hùn vốn giúp nhau mua phân bón, vật tư nông nghiệp... Đồng thời, đề xuất với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Cát 2 tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 32 hội viên phụ nữ Thôn 3 vay vốn, với số tiền trên 1 tỷ đồng để đầu tư vào phát triển kinh tế, chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị vận động chị em thành lập mô hình tiết kiệm nhằm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, với tổng số tiền tiết kiệm đến nay trên 25,8 triệu đồng. Số tiền này đã giúp 6 chị có hoàn cảnh khó khăn trong chi hội vay không lãi. Nhờ mạnh dạn phát triển kinh tế mà những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Thôn 3 giảm rõ rệt, đến nay trong thôn chỉ còn 1 hộ nghèo.
Để góp phần cùng địa phương duy trì và phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, chị Điểu Thị Mơn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, đóng góp xây dựng, tu sửa đường giao thông nông thôn; dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; sắp xếp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp; phát động hội viên thu gom rác thải quanh nhà, khơi thông cống rãnh, giữ vệ sinh nguồn nước; tham gia mô hình “Tổ phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường” có 14 thành viên
Khẳng định vai trò là cầu nối vững chắc giữa chính quyền địa phương và hội viên cơ sở của chị Điểu Thị Mơn, chị Trần Thị Ngọc Lài - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cát Tiên cho biết: Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của cán bộ cơ sở là vô cùng quan trọng. Bởi các chị hiểu rõ nếp sống, phong tục, thói quen sinh hoạt của bà con trong thôn nên thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền. Chính vì vậy, cán bộ ở cơ sở nhất định phải có uy tín như chị Điểu Thị Mơn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên, từ đó, công tác tuyên truyền mới thật sự có hiệu quả.
VIỆT QUỲNH