Sản xuất lúa giống chất lượng cao
Không lo đầu ra, không sợ thương lái ép giá, trong quá trình sản xuất được sử dụng giống lúa chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật…; đó là những ưu điểm nổi bật của mô hình sản xuất lúa giống ở Cát Tiên.
Trước thực trạng người trồng lúa “được mùa, mất giá”, những năm qua, chính quyền và người dân của huyện Cát Tiên đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường.
Ông Tô Xuân Đài, thôn Phước Trung (xã Phước Cát 2) là một trong những hộ dân có “thâm niên” trong sản xuất lúa giống liên kết với Công ty Cổ phần giống Đông Nam. Ông cho biết: Gia đình tôi cấy 1,2 ha ruộng lúa giống bán cho Công ty. Năm nay, thời tiết diễn biến bất lợi, ít mưa nên ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của lúa. Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất lúa dự kiến xấp xỉ vụ Đông Xuân. Thu nhập đạt được khoảng trên 40 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thường. Việc sản xuất lúa giống được các công ty thu mua ngay sau thu hoạch, ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật của Công ty tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất khắt khe từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, vì vậy người làm giống rất yên tâm. Qua tìm hiểu thì lúa giống dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn 1.000 - 1.600 đồng/kg so với lúa thường. Dựa vào những định hướng đó, gia đình tôi sẽ giảm dần diện tích lúa có năng suất thấp, chất lượng kém và tăng dần diện tích trồng lúa giống có chất lượng tốt.
HTX Trung Thành (xã Gia Viễn) là đơn vị đã có gần 10 năm gắn bó với nghề sản xuất lúa giống liên kết với Công ty. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty sản xuất lúa giống ở cả hai vụ, diện tích khoảng 65 ha/năm. Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc HTX cho biết, thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa giống cao hơn nhiều so với lúa thương phẩm. Tham gia vào sản xuất lúa giống, xã viên còn có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro nên nông dân rất phấn khởi và yên tâm bám ruộng. HTX cũng có thêm nguồn thu từ dịch vụ như cung cấp phân bón, máy nông nghiệp… Trước đây, lúa bán ra thị trường giá cả bấp bênh nhưng trong những năm qua, khi HTX liên kết với Công ty bao tiêu sản phẩm cho bà con, chúng tôi không còn phải lo đầu ra, lợi nhuận tăng 20% so với sản xuất lúa thông thường.
Ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết thêm: Đối với sản xuất lúa, Đức Phổ là một trong những xã đạt năng suất cao trong tốp đầu của huyện. Trình độ thâm canh cây lúa của Nhân dân tương đối cao, người dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác và tổ chức sản xuất theo thị trường. Xã đã xây dựng một cánh đồng lớn với diện tích trên 100 ha. Từ khi chuyển đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch 180/425 ha lúa giống. Người nông dân đã ký kết với các công ty có uy tín để thu mua cho bà con.
Hiện nay, Cát Tiên đã xây dựng được các cánh đồng mẫu trồng lúa giống với diện tích 750 ha, tập trung chủ yếu ở TT Cát Tiên, xã Đức Phổ, xã Quảng Ngãi, xã Gia Viễn… Người nông dân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Đông Nam, diện tích 470 ha, chuyên cung cấp lúa giống cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang có ý định liên kết trồng lúa, trong đó, Công ty Sông Gianh liên kết 50 ha, nếu nông dân làm tốt dự kiến diện tích sẽ tăng lên hàng trăm ha.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, những năm qua, Cát Tiên luôn chú trọng về sản xuất lúa giống, hàng năm có hàng trăm ha sản xuất lúa giống, năng suất bình quân đạt từ 67-75 tạ/ha. Chủ yếu các giống lúa Nam Hương 4, VTNA 6, giống nếp N97… Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, huyện đã liên kết được nhiều doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho lúa. Lúa giống, các doanh nghiệp thu mua giá trị cao hơn lúa thường 20%. Vì vậy, khi tham gia cấy lúa giống, nông dân không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất ra giống canh tác có khả năng kháng bệnh cao.
Nhiều nông dân cũng có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng, sau khi được các cán bộ của doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn. Về cơ chế, chính sách, huyện hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ phân bón, giống cho các mô hình lúa giống, đầu tư hạng mục hạ tầng cho vùng sản xuất giống.
Có thể khẳng định, việc liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa thực sự là hướng đi rất hiệu quả, nâng giá trị kinh tế cho nông dân. Cát Tiên đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển cây lúa theo hướng hàng hóa lớn, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc bao tiêu sản phẩm
HOÀNG YÊN